Triển vọng tươi sáng của du lịch châu Á
Kể từ khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát vào năm 2022, nhiều quốc gia châu Á đã tập trung phát triển các chiến lược để bắt kịp những xu hướng du lịch mới. Hàng loạt con số ấn tượng về du lịch thời gian qua cho thấy thành tựu của khu vực này nhằm hồi sinh ngành du lịch sau thời gian dài trì trệ bởi dịch bệnh.
Ngành du lịch quốc tế đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa biên giới. Kết quả tích cực ở nhiều quốc gia Đông Nam Á là minh chứng cho thành công của các chiến lược thu hút du khách bài bản, linh hoạt và đầy sáng tạo.
Theo Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, quốc gia Đông Nam Á này đã đón 5,2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022, tăng mạnh so với mức mục tiêu đề ra là 3,6 triệu lượt.
Thái Lan cũng cho biết, nước này đã đón 11,15 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2022. Đây là sự phục hồi ngoạn mục của ngành công nghiệp không khói Xứ sở Chùa Vàng, bởi con số này của năm 2021 chỉ là khoảng 428.000 lượt.
Singapore đã đón hơn 2,9 triệu du khách quốc tế trong quý I/2023, bằng khoảng 2/3 số du khách ghi nhận cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Thế giới cần xây dựng ngành du lịch theo hướng linh hoạt hơn, bền vững và thân thiện với môi trường |
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi sâu sắc tư duy về du lịch. Cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng trong vài năm qua cho thấy thế giới cần xây dựng ngành du lịch theo hướng linh hoạt hơn, bền vững và thân thiện với môi trường.
Tại hội thảo du lịch của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), vừa bế mạc ngày 5/5, các đại biểu đã nhất trí rằng: Các chính phủ cần tư duy lại về du lịch để biến ngành công nghiệp không khói này thành một ngành phát triển toàn diện, bền vững, có khả năng phục hồi trước những thách thức toàn cầu tương tự đại dịch Covid-19. Việc cần làm là các nước phải rút kinh nghiệm từ giai đoạn dịch bệnh hoành hành vừa qua để nâng cao khả năng chống đỡ với rủi ro của ngành du lịch.
Lào lựa chọn thúc đẩy hình thức “du lịch chậm”. |
Những tín hiệu khởi sắc từ du lịch châu Á cho thấy chính sách phục hồi của các nước đang đi đúng hướng. Nhận ra sự thay đổi trong thị hiếu của du khách sau đại dịch, Lào lựa chọn thúc đẩy hình thức “du lịch chậm”, giúp du khách trải nghiệm, đắm mình vào văn hóa và con người địa phương với những kỷ niệm khó quên, thay vì chỉ ghé thăm các địa điểm du lịch nổi tiếng. Tạp chí National Geographic gần đây đã bình chọn Lào vào danh sách 5 địa điểm thích hợp nhất cho du lịch chậm.
“Du lịch chữa lành” là loại hình du lịch phổ biến ở Thái Lan. |
Trong khi đó, “du lịch chữa lành” lại là loại hình du lịch phổ biến ở Thái Lan, bởi sau đại dịch, vấn đề sức khỏe càng được người dân quan tâm. Bộ Y tế Thái Lan đã và đang triển khai chính sách “Sức khỏe để giàu có” bằng việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế và chữa lành. Xứ sở Chùa Vàng phát triển mạnh cơ sở hạ tầng y tế, thu hút sự tham gia của các bệnh viện tư nhân và cơ sở spa vào lĩnh vực du lịch, xây dựng hình ảnh các thành phố thảo dược để quảng bá những điểm du lịch sức khỏe.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua để ngành du lịch thật sự “cất cánh” trong thời gian tới.
Thiếu nhân lực đang là một thách thức lớn.
Tại Singapore, các công ty lữ hành chia sẻ rằng, họ khó bắt kịp tốc độ phục hồi của ngành du lịch bởi đang phải vật lộn với sự thiếu hụt trầm trọng tài xế xe bus du lịch. Công ty ST Lee Transport của Singapore, công ty chuyên cho thuê xe bus, hiện mới chỉ tuyển được 60% số vị trí việc làm tài xế xe bus. Nguyên nhân là phần lớn các lao động nước ngoài từ Trung Quốc và Malaysia đã về nước khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và sau đó không quay trở lại làm việc tại Singapore.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng, thời tiết khắc nghiệt do hệ lụy của biến đổi khí hậu, nguy cơ tái bùng phát lây nhiễm Covid-19, lạm phát cao, xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu… cũng là những thách thức khác.