Khai thác lợi thế du lịch nông thôn
Từ diện mạo nông thôn đổi mới, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống, dân trí nông dân được nâng cao. Đó là những điều kiện để Quảng Ninh phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.
Việt Dân là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của toàn tỉnh. Diện mạo nông thôn ở đây hiện đại, đồng bộ với điện, đường, trường, trạm, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao. Cùng với ruộng vườn cây trái trù phú, tốt tươi, ấn tượng với những nông dân hồn hậu, hiếu khách, tự tin năng động… Tất cả giúp Việt Dân trở nên hấp dẫn trong mắt du khách.
Từ nền tảng đang có, người dân Việt Dân nhanh nhạy bắt tay vào làm du lịch nông nghiệp. Việc hình thành mối liên kết giữa Công ty TNHH Han Nong (Hàn Quốc) với các hộ dân thôn Tân Thành có thể coi là mô hình du lịch nông nghiệp tiên phong ở Việt Dân. Du khách đến đây sẽ được thăm vườn, trải nghiệm quy trình canh tác nông nghiệp cũng như thưởng thức hoa trái, sản phẩm của vườn theo xu hướng “mùa nào thức ấy”…
Thực tế cho thấy, những vùng thôn quê tươi đẹp như Việt Dân đang ngày càng nhân rộng, đồng nghĩa với việc những mô hình du lịch nông nghiệp, điểm đến của du khách tìm về với không gian đồng quê ngày càng nhiều, trải dài từ Đông Triều cho đến Móng Cái.
Nếu như TP Hạ Long có những vườn ổi VietGAP, vườn mía tím hữu cơ, vùng trồng hoa thương phẩm, vùng trồng cây dược liệu… thì Vân Đồn có những vườn cam trĩu quả, những khu nuôi thuỷ sản bằng vật liệu mới; Bình Liêu có những mùa sở, mùa hồi, mùa lúa chín; Hải Hà có những đồi chè xanh ngắt đã được tạo hình để check-in; Móng Cái có những ngôi làng bích hoạ… Tất cả đều là những điểm du lịch nông nghiệp lý thú, hấp dẫn, ấn tượng du khách. Ở những nơi này, du khách hoà mình vào không gian canh tác, trải nghiệm quy trình canh tác và thụ hưởng sản phẩm canh tác…
Tìm về Quảng Long của Hải Hà, du khách không chỉ thấy vẻ đẹp nông trường mà còn được tìm hiểu câu chuyện thú vị về nghề trồng chè, con đường đặc sản chè xuất khẩu. Màu xanh ngút ngàn của những vạt chè uốn lượn như xua tan cảm giác mệt mỏi của du khách.
Ở huyện Bình Liêu có trên 800ha ruộng bậc thang trồng lúa. Vào độ cuối tháng 10 dương lịch, lúa chín vàng như dòng thác giữa nền trời thu xanh ngắt, tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Khu vực ruộng bậc thang Lục Hồn mới đây còn được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Đến nay, huyện Bình Liêu đã tổ chức Hội mùa vàng được 4 mùa liên tiếp, giúp cho du khách được tham gia trải nghiệm gặt lúa, tham gia nghi lễ mừng cơm mới.
Lễ hội hoa sở của huyện Bình Liêu còn được tổ chức thường niên trước Hội mùa vàng. Dưới những cánh rừng sở, du khách check-in với hoa sở, trải nghiệm việc ép dầu sở, thưởng thức ẩm thực được chế biến từ dầu sở, đua xe đạp, bay dù lượn trên rừng sở… Đó là những sản phẩm du lịch độc đáo chỉ có ở mô hình du lịch nông nghiệp, ở những vùng nông thôn, miền núi mà sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, nông dân là chủ thể.
“Một ngày làm ngư dân” ban đầu chỉ có ở xã đảo Quan Lạn của huyện Vân Đồn, nay trở thành sản phẩm du lịch quen thuộc ở khắp các vùng biển Cô Tô, Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà. Công việc khua chèo, thả lưới, buông câu, bồng bềnh trên những con sóng nhẹ, bắt lên thuyền những con cá, con mực… vốn là công việc hàng ngày, quen thuộc của ngư dân, nay trở nên mới lạ, hấp dẫn đối với du khách, đưa du khách đến niềm vui của thành quả lao động…
Với quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc như hiện nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng lớn mạnh, sôi động, trở thành cực tăng trưởng mới của tỉnh. Và đây cũng là lý do để du lịch nông nghiệp Quảng Ninh đang và sẽ ngày càng có lợi thế phát triển, từ đó giúp Quảng Ninh đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo thêm sức hút về vùng đất giàu đẹp địa đầu Tổ quốc.