Cung leo núi hiểm trở ở Tây Bắc vào mùa đẹp nhất
Đỉnh Nam Kang Ho Tao, cung đường trekking có độ khó thuộc top đầu ở Tây Bắc, đang trong mùa đẹp nhất năm.
Tỉnh Lai Châu có 7 trên 15 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Trong đó, đỉnh Nam Kang Ho Tao, độ cao 2.881 m, thuộc địa phận bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, ranh giới giữa Lai Châu và Lào Cai. Đây là đỉnh núi thuộc top khó chinh phục nhất Việt Nam, theo cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.
Từ cuối năm 2019, khi hệ thống đường giao thông xã được nâng cấp, Nam Kang Ho Tao là nơi nhiều phượt thủ tới khám phá. Có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hùng vĩ và hiểm trở, Nam Kang Ho Tao đang được khai thác du lịch thông qua các tour leo núi, anh Lò Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Hố Mít, chia sẻ.
Vào mùa leo núi, một số hộ gia đình trong bản Thào A sẽ làm porter bản địa dẫn khách chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao. Chính quyền địa phương định hướng phát triển du lịch theo hình thức cộng đồng bằng cách đưa người dân đi học kinh nghiệm về du lịch tại các bản trong tỉnh để thực hành tại xã Thào A và Nam Kang Ho Tao, anh Bình nói.
“Nam Kang Ho Tao là cung trekking gian nan, địa hình hiểm trở, phức tạp với nhiều vách đá, suối, thác trơn trượt”, Nguyễn Ngọc Chung, hướng dẫn viên một công ty chuyên tổ chức tour leo núi và kinh nghiệm chinh phục 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, cho hay.
Anh Chung cho biết thêm, hầu hết những người leo núi không thể leo đến đỉnh Nam Kang Ho Tao trong một ngày mà phải nghỉ qua đêm để dưỡng sức, bởi cung đường này khó đi hơn hẳn những cung đường chinh phục các đỉnh núi khác ở Lai Châu như Putaleng, Tả Liên Sơn.
Quãng đường trekking gian nan nhưng Nam Kang Ho Tao có những vẻ đẹp riêng với rừng lá phong, rừng trúc, nhiều dòng suối, thác nước, hệ thực vật bậc cao, thấp phong phú.
Ngoài ra, còn một điểm đặc trưng của cung đường này là những cây pơ mu hàng nghìn năm tuổi, rừng hoa đỗ quyên và rừng cây thảo quả cao hơn đầu người.
Cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng Nam Kang Ho Tao có nhiều suối, thác, và đây chính là những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
“Các khu vực gần nguồn nước đa phần sẽ có đá cứng đủ các loại kích thước từ to đến nhỏ và trơn trượt do bám rong, rêu nên rất dễ xảy ra tai nạn nếu di chuyển không cẩn thận. Mùa mưa, nước trên thượng nguồn đổ về khiến nước suối chảy siết hơn”, anh Chung nói.
Với những tour trekking đỉnh núi, đặc biệt là những cung đường khó đi như Nam Kang Ho Tao, điều quan trọng nhất là du khách nên đi cùng người dẫn đường có kinh nghiệm. Trên đường đi không có lán nghỉ, nên mang theo chăn, lều và các vật dụng cắm trại. Hãy thuê porter giúp vận chuyển hành lý.
“Dân leo núi còn đánh giá đây là một cung trekking khó, vì vậy việc người không chuyên leo một mình đã đủ vất vả, việc mang vác đồ cồng kềnh sẽ khiến bản thân mất sức nhanh hơn, thậm chí mà mất thăng bằng vì đường dốc, gây ra tai nạn”, anh Chung cho biết.
Anh Lê Văn Trọng Anh (27 tuổi, Hà Nội) đến Nam Kang Ho Tao vào ngày 25/1. Anh ấn tượng trước vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh núi này và đã dành ba ngày hai đêm trekking quãng đường khoảng 25 km hướng từ Lai Châu lên đỉnh để chụp lại những khung cảnh xanh tươi đầy sức sống của Nam Kang Ho Tao.
Đường lên Nam Kang Ho Tao có những đoạn phải dùng dây thừng hoặc những thang gỗ tự chế để leo lên. “Tôi biết đi Nam Kang Ho Tao còn có một hướng từ Lào Cai ngắn và dễ đi hơn nhưng tôi đã lựa chọn hướng Lai Châu vì muốn trải nghiệm những thách thức trên cung đường này để khám phá giới hạn bản thân”, anh Trọng Anh cho biết.
Thời điểm thích hợp để chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao là từ tháng 9 đến tháng 4. Thời điểm hiện tại đang bắt đầu mùa leo núi đẹp nhất ở Nam Kang Ho Tao, trời khô ráo, thời tiết thuận lợi, thực vật trong rừng xanh tốt, lác đác vài cây phong thay màu lá. Tháng 3 và 4 còn có mùa hoa đỗ quyên.
Đến tháng 4, khi mùa mưa bắt đầu, các tour leo núi sẽ tạm dừng để giảm thiểu rủi ro cho khách du lịch trong quá trình chinh phục, khám phá thiên nhiên.