Nơi đàn chim về giữa đầm Thị Nại

  • Home
  • Nơi đàn chim về giữa đầm Thị Nại
Nơi đàn chim về giữa đầm Thị Nại

Nơi đàn chim về giữa đầm Thị Nại


Hàng nghìn chim, cò chọn rừng đước, bần ngập mặn ở Cồn Chim làm nơi cư trú, tạo nên cảnh yên bình, thu hút nhiều du khách.

Cồn Chim ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (cách TP Quy Nhơn 15 km) là tên gọi chung của hệ sinh thái rừng ngập mặn với 3 cồn nổi là Cồn Chim, Cồn Trạng và Cồn Giá, với tổng diện tích 480 ha, chiếm gần 1/10 diện tích đầm Thị Nại – đầm nước mặn lớn nhất miền Trung.

Rừng có thảm cỏ biển lớn, tạo nơi cư trú, kiếm ăn, bãi sinh sản và vườn ươm ấu trùng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị. Ở đây có 25 loài cây ngập mặn, trong đó 18 loài cây chủ yếu tạo rừng và 5 loài cỏ biển.

Với hệ sinh thái, khí hậu đặc biệt, cồn là nơi hàng nghìn con chim, cò trú ngụ, sinh sống hài hòa với con người.

Ông Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp, thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho biết trên cồn còn có hàng chục loài chim và cò trắng chiếm số lượng nhiều nhất.

Là người phụ trách việc chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ở Cồn Chim, ông Đưa cho biết đàn cò trắng còn bay đến những đìa nước, hay cánh đồng lân cận tìm thức ăn, nhưng sau đó vẫn kéo nhau về cồn bởi chúng coi đây là nhà. Có thời điểm trên cồn có khoảng 10.000 con.

Đước có vai trò trung tâm trong hệ thực vật nơi đây, bên cạnh một số loài cây ngập mặn khác như bần trắng, mắm trắng được trồng theo đề án trồng mới, phục hồi rừng ngập mặn của tỉnh Bình Định từ hơn 10 năm trước.

Còn trắng đáp xuống đầm nước tìm thức ăn. Ngoài cò trắng, trên cồn còn có rất nhiều loài chim như cồng cộc, quốc, bìm bịp, se sẻ.

Khu vực này có khoảng 100 gia đình với 1.000 người, làm nghề chài lưới và nuôi thủy hải sản. Anh Dương Thành Trung, 46 tuổi cho biết, xóm cồn đã có từ hàng trăm năm trước, gia đình anh đã nhiều đời sống ở đây. Ngoài nhà chính trong xóm, người dân còn làm chòi nhỏ cạnh các ao nuôi xen canh tôm, cua, cá.

Các gia đình được giao khoán bảo vệ rừng, giữ gìn hệ sinh thái cho tôm, cá sinh sôi.”Chính vì nguồn thủy sản và thức ăn phong phú mà lượng chim, cò về Cồn Chim rất nhiều”, anh Trung nói.

Anh Trung bắt cá bống trong ao nuôi xen canh. Ao của anh Trung rộng 1,4 ha, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài khu vực nuôi, anh còn bỏ giống cá, tôm, cua ra đầm nước chung để tái tạo nguồn thủy sản.

Gần đây, Cồn Chim nổi lên như một điểm sinh thái hấp dẫn ở Bình Định. Nắm bắt cơ hội, anh Văn Minh, 37 tuổi cùng nhóm bạn làm bè để đón khách du lịch với các dịch vụ như ăn uống, chèo sup, ngắm chim, bắt cua, cá.

Do chim bay nhanh, du khách khó ngắm từ khoảng cách gần và không thể selfie với đàn chim. Thay vào đó, đến Cồn Chim du khách được trải nghiệm các hoạt động khác như bắt cua, cá trong ao.

Ngoài ra du khách còn được trải nghiệm chèo sup.

Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho rằng, Cồn Chim là kho báu giữa đầm Thị Nại, nếu được phát triển đúng hướng sẽ trở thành lá phổi xanh của Bình Định. Do đó, địa phương cần cần có chính sách tốt để bảo tồn, bảo vệ rừng ngập mặn, đàn chim trời, phát triển du lịch cộng đồng.

Hiện Bình Định đã quy hoạch khu vực này thành khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp công viên rừng ngập mặn. Một doanh nghiệp lớn cũng đang khảo sát Cồn Chim để làm du lịch.





Du thuyền 5 sao Hạ Long