Đón khách du lịch Trung Quốc trở lại
Trước những diễn biến bất ngờ từ thị trường, để đón dòng khách du lịch Trung Quốc trở lại, ngành du lịch Quảng Ninh và các doanh nghiệp luôn sẵn sàng các điều kiện và phương án đón khách an toàn và chất lượng.
Tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”
Sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Zero Covid”. Ngày 8/1/2023, cặp cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) chính thức thông quan trở lại, dẫu mới chỉ cho phép công dân 2 nước nhập cảnh về quê ăn Tết nhưng cũng mở ra hy vọng về sự trở lại của du khách Trung Quốc trong tương lai gần, đóng góp đáng kể phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế vẫn còn ảm đạm của Quảng Ninh (năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên con số thực tế mới chỉ đạt trên 30%).
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, khách du lịch Trung Quốc là dòng khách nước ngoài lớn nhất, chiếm tới 1/3 tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh.
Để đón dòng khách Trung Quốc trở lại, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo về “Các giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam” vào ngày 9/1/2023, tại TP Móng Cái. Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, khẳng định: TP Móng Cái đã chuẩn bị kỹ càng các điều kiện xuất nhập cảnh để đảm bảo công tác phòng chống dịch an toàn cho khách du lịch và người dân.
Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Móng Cái cho biết, cơ quan chuyên môn cũng đôn đốc chỉ đạo các đơn vị lữ hành phía Việt Nam chủ động liên lạc, thương thảo nối lại hoạt động đưa khách du lịch từ Trung Quốc đến du lịch Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái. Ngoài ra, phòng đôn đốc các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố chỉnh trang, bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn đảm bảo quy định, yêu cầu câu lạc bộ lữ hành 5328 Móng Cái sẵn sàng phương án đón khách du lịch Trung Quốc. Đặc biệt rà soát lực lượng lao động, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, nếu chưa đảm bảo kịp thời tuyển dụng.
Có thể thấy, ngành du lịch và mỗi doanh nghiệp Quảng Ninh đều đã trong tâm thế sẵn sàng đón khách Trung Quốc trở lại sớm nhất với chất lượng dịch vụ cao nhất. Song theo diễn biến mới, từ ngày 6/2/2023, công dân Trung Quốc được đi du lịch theo đoàn thông qua các công ty lữ hành tới 20 quốc gia trong đó không có Việt Nam. 10 quốc gia châu Á được nhắc đến là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Maldives, Sri Lanka và UAE. 10 nơi còn lại gồm Cuba, Argentina, Ai Cập, Fiji, Hungary, Kenya, New Zealand, Nga, Nam Phi và Thụy Sĩ.
Thông tin này khiến nhiều doanh nghiệp hụt hẫng bởi trong kịch bản tăng trưởng họ đã tính toán tới yếu tố thị trường Trung Quốc phục hồi… Nói như thế không có nghĩa là doanh nghiệp rơi vào tình thế trở tay không kịp. Lý do, theo các chuyên gia du lịch, danh sách này chỉ là tạm thời và sẽ tiếp tục được cập nhật trong thời gian tới. PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Tôi nghĩ đây chỉ là việc trước mắt, nhất thời. Trung Quốc sẽ sớm có sự điều chỉnh việc mở cửa đến các quốc gia khác, đặc biệt là với các quốc gia mà người dân Trung Quốc muốn đi du lịch, trong đó có Việt Nam”.
Trong khi chờ thị trường phục hồi và điều chỉnh về chính sách, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến” đã được trui rèn trong đại dịch. Khi được hỏi về việc 20 quốc gia được đi du lịch theo đoàn thông qua các công ty lữ hành không có Việt Nam, bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm lữ hành Heritage Quảng Ninh, chia sẻ: “Tôi không bất ngờ hay thất vọng, vì phía Trung Quốc họ cũng cần thời gian để điều chỉnh và tái cấu trúc sau tổn thất gây ra do Covid-19. Về phần mình, hiện chúng tôi đang xúc tiến với các đối tác để mở lại tour. Kỳ vọng tháng 6 sẽ là thời điểm dòng khách du lịch Trung Quốc thực sự phục hồi”.
Tái thiết sản phẩm đón dòng khách cao cấp
Bà Phạm Thị Mai Anh cho rằng, cũng giống như các doanh nghiệp Việt Nam thời điểm du lịch mới mở cửa trở lại, các đối tác Trung Quốc cũng cần thời gian ổn định tổ chức, tìm kiếm, đào tạo lại nhân lực du lịch, kết nối lại với các đối tác. Mặt khác, các đối tác phía Việt Nam cũng cần tái thiết lại sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thay đổi của du khách sau những ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Theo bà Mai Anh, trở lại sau 3 năm vắng bóng, khách du lịch Trung Quốc sẽ tìm kiếm những địa điểm nghỉ dưỡng để phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bên cạnh đó là những địa điểm vui chơi, giải trí như casino.
Hiện Heritage Travel đã có các sản phẩm từ 4 ngày 3 đêm đến 7 ngày 6 đêm để chào bán với các đối tác Trung Quốc. Trong đó, doanh nghiệp chuẩn bị phương án đón khách từ 2 đường là nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và sân bay quốc tế Vân Đồn (thuê bay bao chuyến), tập trung vào dòng khách có khả năng chi trả cao. Các sản phẩm được xây dựng là du lịch nội tỉnh và Quảng Ninh+ (Quảng Ninh plus) nối tuyến Quảng Ninh với các điểm đến nổi tiếng trên cả nước như Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh.
Với các tour mới, doanh nghiệp này đặt mục tiêu lấy Quảng Ninh làm trung tâm, xây dựng chương trình để khách lưu trú ít nhất 3 đêm tại Quảng Ninh, trải nghiệm các sản phẩm du lịch cao cấp như thăm Vịnh Hạ Long trên tàu 5 hoặc 6 sao, trải nghiệm Suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả), di chuyển về lễ Phật tại Yên Tử (TP Uông Bí). Lộ trình tour khai thác lợi thế tuyến cao tốc và hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ của Quảng Ninh, đồng thời lồng ghép giới thiệu để du khách mua và sử dụng các sản phẩm OCOP chất lượng cao của tỉnh. Mục đích là tăng chi tiêu của du khách tại điểm đến, nói không với các sản phẩm du lịch chộp giật, chất lượng kém mà không mang lại lợi ích cho người dân.
Để thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Quảng Ninh hiệu quả hơn, từ góc độ ngành, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Trùng Khánh chỉ ra rằng, Quảng Ninh cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn, đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh, chú trọng triển khai công điện số 05/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/1/2023, các quy định của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần tập trung tăng cường kết nối lại về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các thị trường nguồn khách của Trung Quốc. Đồng thời hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng.