Hạ Long – Thành phố của lễ hội
Với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, TP Hạ Long đang có những bước đi bài bản trong công tác lập quy hoạch, làm mới các lễ hội… trong triển khai Đề án “Hạ Long – Thành phố của Lễ hội”. Từ đó đưa Hạ Long trở thành điểm đến hàng đầu trong bản đồ du lịch của Việt Nam.
Làm mới các lễ hội
Hàng năm, dịp lễ 30/4-1/5 là thời điểm diễn ra hoạt động du lịch biển Hạ Long. Bắt đầu từ năm 2007, UBND tỉnh đã tổ chức Carnaval Hạ Long làm tâm điểm của Tuần Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh. Đến năm 2014, Carnaval Hạ Long được tỉnh uỷ quyền về thành phố nhưng vẫn là sự kiện quy mô cấp tỉnh.
Carnaval Hạ Long được thành phố đổi mới theo từng năm thông qua việc thay đổi cách thức thể hiện nhưng vẫn giữ được các đặc trưng riêng có của Carnaval quốc tế, như: Huy động lớn số lượng diễn viên quần chúng địa phương và nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế có mối quan hệ với Quảng Ninh tham gia, diễn diễu đường phố… Đặc biệt, năm 2024, kịch bản chương trình đã sáng tạo, đổi mới và lần đầu tiên thành phố sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay (3D mapping, drone light, thực cảnh trên biển) để biểu diễn trong chương trình. Bằng việc đổi mới về cả nội dung và hình thức tổ chức, Carnaval Hạ Long 2024 một lần nữa đem đến sự bùng nổ, gây ấn tượng cho du khách với những màn trình diễn đặc sắc.
Chị Nguyễn Thị Huệ (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Chúng tôi thật sự cảm xúc khi được nghe những câu chuyện về lịch sử, văn hóa đất và người Quảng Ninh bằng màn thực cảnh trên cát và trên biển. Và trên bầu trời là hàng trăm thiết bị drone light “vẽ” lên hình ảnh đặc sắc, tiêu biểu nhất của vùng đất phía Đông Bắc như chùa Đồng, Yên Tử; hình ảnh thợ mỏ, mũi Sa Vỹ, vịnh Hạ Long… Có thể nói, Carnaval Hạ Long 2024 rất hoành tráng và đặc biệt.
Làm mới lễ hội Carnaval Hạ Long từ nội dung, hình thức đến không gian tổ chức là cách để TP Hạ Long khẳng định khát vọng đổi mới, tăng sức hấp hẫn cho thành phố biển, phấn đấu đưa Carnaval Hạ Long trở thành sản phẩm định vị thương hiệu du lịch quốc gia trong thời gian tới.
Cùng với thành công của Carnaval Hạ Long 2024, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, TP Hạ Long tiếp tục để lại ấn tượng cho hàng nghìn du khách khi lần đầu tiên tổ chức lễ hội bia và chả mực.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, chia sẻ: Chả mực được coi là “đại sứ du lịch” của Hạ Long, là món ngon mà hầu hết du khách thưởng thức khi đến Quảng Ninh. Đây cũng là 1 trong 50 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận. Hạ Long tổ chức Lễ hội Bia và Chả mực với mong muốn thể hiện sự hiếu khách của địa phương, đồng thời đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hải sản của Hạ Long, trong đó có chả mực, đến du khách trong nước và quốc tế. Tại lễ hội, chiếc chả mực nặng 200kg đã được xác lập kỷ lục Việt Nam, tạo thêm niềm hứng khởi cho người dân và du khách.
Trong thời gian qua, thành phố đã thực hiện tốt công tác phục hồi, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, như: Nâng cấp quy mô tổ chức Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn từ cấp phường lên cấp thành phố (từ năm 2023); mở rộng quy mô tổ chức Hội làng Bằng Cả gắn với phát triển du lịch (từ năm 2022); phục dựng tổ chức lại phần hội và phần lễ rước trong lễ hội Đình Trới (từ năm 2023). Việc một số lễ hội, sự kiện mới, nâng cấp các lễ hội truyền thống cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng được những thay đổi trong nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa mới của du khách và nhân dân, nhưng vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Cả hai loại hình sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống và lễ hội mới bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để có thể thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa tinh thần, vật chất cho cộng đồng trong những điều kiện, hoàn cảnh mới.
Trở thành điểm đến 4 mùa
TP Hạ Long có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử – văn hóa – danh thắng; trong đó, nổi bật nhất là vịnh Hạ Long được UNESCO 3 ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới. Theo thống kê, lễ hội trên địa bàn TP Hạ Long hiện được chia thành 3 loại hình, bao gồm lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài. Trung bình mỗi năm, thành phố tổ chức khoảng 10-15 lễ hội, sự kiện tiêu biểu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số lễ hội truyền thống tổ chức ở quy mô nhỏ, chưa gắn với các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Mặc dù tần suất tổ chức sự kiện nhiều, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các dịp nghỉ lễ (30/4, 2/9), chưa tổ chức đều ra các mùa, các tháng trong năm, đặc biệt vào các mùa thấp điểm du lịch (mùa xuân, mùa thu, mùa đông). Thực tiễn cũng cho thấy, thành phố chưa có kế hoạch sớm trong tổ chức các lễ hội, sự kiện nên công tác hiệp đồng, phối hợp có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa thực chất. Ngoài các lễ hội truyền thống đã và đang được tổ chức thường xuyên liên tục, trên địa bàn thành phố còn có một số lễ hội chưa được phục dựng, tổ chức gián đoạn như: Lễ hội Đại phan của dân tộc Sán Dìu (tại xã Thống Nhất, Vũ Oai) tổ chức gần nhất vào năm 2017, hoặc tổ chức lồng ghép trong ngày Đại đoàn kết dân tộc (18/11) như lễ mừng cơm mới người Tày tại xã Dân Chủ để duy trì nét văn hoá truyền thống.
Để hiện thực hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, TP Hạ Long đã triển khai xây dựng Đề án “Hạ Long – Thành phố của Lễ hội”. Mục tiêu chung Đề án đặt ra là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.
Theo đó, thành phố duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có, điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch.
Cụ thể, như: Đến năm 2025, thành phố phục dựng lại lễ mừng cơm mới của người Tày tại xã Dân Chủ; Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu; nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống, gồm lễ hội làng Bằng Cả, lễ hội Đền vua Lê Thái Tổ; xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể đối với lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội Đền Vua Lê Thái Tổ. Đặc biệt, thành phố tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới (Lễ hội hoa tại thiên đường hoa Quảng La; lễ hội mùa ổi chín; lễ hội đua thuyền rồng Hạ Long; lễ hội trình diễn, ánh sáng nghệ thuật bên bờ Vịnh Di sản…).
Song song với đó, thành phố cũng đầu tư nâng cấp một số di tích nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hoá của nhân dân, như: Xây nhà mái che Bài thơ cổ; triển khai lập quy hoạch, mở rộng Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, kết nối các điểm di tích trong quần thể di tích lịch sử và danh thắng Núi Bài Thơ – Khu văn hoá Núi Bài Thơ và Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn…
Trong xu thế hiện nay, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển. Các tài nguyên thiên nhiên – con người – văn hóa đang là nền tảng, động lực quan trọng để TP Hạ Long khai phá mạnh tiềm năng, phát triển nhanh, bền vững ngành du lịch, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân. Việc tổ chức, nâng cấp các lễ hội, sự kiện phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay, nhất là nhiều địa phương trong cả nước và trên thế giới đã rất thành công trong việc kết hợp giữa công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, thực tế cho thấy, du lịch văn hoá chính là ngành công nghiệp văn hoá mà TP Hạ Long có ưu thế vượt trội so với các thành phố khác trong cả nước. Du lịch văn hoá không chỉ đóng góp doanh thu lớn cho ngành kinh tế, mà còn có khả năng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá khác cùng phát triển (điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, phát thanh và truyền hình, thủ công mỹ nghệ…).
Xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của lễ hội là hướng đi rất đúng đắn để đưa các lễ hội, di sản văn hóa thực sự trở thành sản phẩm có giá trị gia tăng về mặt kinh tế.
Quyết tâm xây dựng thành phố của lễ hội, trước mắt, thành phố tập trung xây dựng và hoàn thiện phố đi bộ Hàn Quốc (khu di lịch Bãi Cháy), xây dựng phương án đưa khu vực ngọn Hải Đăng thành tổ hợp vui chơi, giải trí và địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ ít nhất mỗi tháng một lần. Thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan triển khai việc trồng cây xanh, trồng hoa theo mùa tại khuôn viên Công viên Sun Group (phường Bãi Cháy) và khu vực đất trống của Tập đoàn BIM tại phường Hùng Thắng để tạo cảnh quan cửa ngõ vào thành phố; đồng thời, triển khai trồng hoa anh đào tại xã Kỳ Thượng, duy trì Thiên đường hoa Quảng La, chợ hoa Đồng Chè (phường Hoành Bồ), dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hóa núi Bài Thơ, dự án mở rộng, tu bổ và tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ.
Xác định sản phẩm du lịch tâm linh là thế mạnh của thành phố trong tương lai chỉ sau việc khai thác giá trị của Vịnh Hạ Long. Do vậy, thành phố đã khẩn trương hoàn thiện việc quản lý quy hoạch các điểm di tích, các dự án, công trình liên quan đến cải tạo di tích, thắt chặt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xung quanh lễ hội, đền, chùa.
Đánh giá tiềm năng về tổ chức các lễ hội của thành phố, theo GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, cùng với những sự kiện, các lễ hội văn hoá còn phải kể đến không gian tuyệt vời của TP Hạ Long hiện tại giúp cho những sự kiện văn hoá khác cho ngành công nghiệp văn hoá và công nghiệp sáng tạo đang là xu thế mạnh mẽ hiện nay. Đó là không gian bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, không gian ven biển và các công viên, những khoảng trống trong thành phố… đây là những cơ hội và địa điểm tuyệt vời cho các hoạt động sáng tạo của nghệ thuật sắp đặt, của các khu vực trình diễn, triển lãm, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật ngoài trời, những lễ hội đường phố…
Có thể khẳng định, việc xây dựng và triển khai Đề án “Hạ Long – Thành phố của lễ hội” là cơ sở quan trọng cho việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, điểm nhấn cho ngành du lịch thành phố, thúc đẩy hoạt động du lịch bốn mùa và là sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có, tạo sự khác biệt, tăng cạnh tranh giữa các điểm đến, tăng trải nghiệm cho khách du lịch. Đề án cũng quảng bá sâu rộng về văn hoá, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người Hạ Long hào sảng, thân thiện, mến khách.
Ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định: Chúng tôi mong muốn thông qua triển khai Đề án sẽ giúp mỗi người dân Hạ Long cảm thấy tự hào hơn về truyền thống văn hoá, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, cùng chung tay giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần; phục vụ đời sống kinh tế, xã hội của người dân, nâng cao vai trò vị thế đầu tàu của Hạ Long trong sự phát triển của tỉnh.