Châu Âu đối diện mùa hè đắt đỏ, hỗn loạn

  • Home
  • Châu Âu đối diện mùa hè đắt đỏ, hỗn loạn
Châu Âu đối diện mùa hè đắt đỏ, hỗn loạn

Châu Âu đối diện mùa hè đắt đỏ, hỗn loạn


Quá tải khách, giá phòng khách sạn tăng, USD yếu hơn euro đẩy giá cả tăng vọt, khiến châu Âu dự kiến đối mặt mùa du lịch hè đắt đỏ.

“Mọi thứ có vẻ hỗn loạn”, theo nhận xét của các chuyên gia du lịch trên CNN về mùa hè châu Âu năm nay. Nhiều khách sạn đang tăng giá, USD yếu so với euro và bảng Anh, khách đến đông kéo theo ồn ào, quá tải.

“2023 khách Mỹ đến châu Âu đã đông hơn trước dịch, năm nay còn nhiều hơn”, CEO Tổ chức Du lịch châu Âu Tom Jenkins cho biết. Kayla Zeigler, chủ công ty du lịch Destination Europe tại Mỹ cũng nói đang “gửi số lượng kỷ lục” khách hàng đến châu Âu năm nay.

Một khách hàng đang mua sắm thực phẩm ở Châu Âu. Ảnh: Reuters

Theo Graham Carter, giám đốc công ty điều hành tour Unforgettable Travel, “nhiều du khách than thở đi châu Âu năm nay quá đắt đỏ”. Nhiều khách đã đặt trước phòng khách sạn, giá phòng cao, nhu cầu ghé thăm lớn đã đẩy giá đi châu Âu tăng.

Du khách đang gặp bất lợi khi đồng euro và bảng Anh có tỷ giá cao. 100 USD đổi được 91-92 euro, theo tỷ giá trung bình hiện nay trên thị trường, và thấp nhất trong 5 năm trở lại. Năm ngoái, 100 USD đổi được 95 euro. Khách du lịch đến Anh cũng gặp tình trạng tương tự khi 100 USD đổi được 78 GBP, giảm so với mức 80 GBP cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, giảm một vài xu khi quy đổi tiền không tạo ra chênh lệch nhiều. Nhưng nếu cộng tổng hóa đơn cho một chuyến đi sẽ nhận thấy mức giá du lịch hè này đắt đỏ hơn.

Lạm phát đang tăng khắp thế giới, châu Âu không phải là ngoại lệ. Tháp Eiffel tăng giá vào cửa 20% từ 17/6. Khách đến Venice những ngày cao điểm mà không thuê phòng khách sạn qua đêm phải trả phí 5 euro. Visa Schegen bắt đầu tăng 12% từ hôm nay.

Người dân Mallorca, Tây Ban Nha biểu tình hôm 26/5 để ngăn quá tải du khách. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, những loại phí này được đánh giá chưa là gì so với hóa đơn khách sạn châu Âu. CEO Hotel Planner Tim Hentschel nhận xét giá phòng đang “tăng ngoạn mục”. Nhiều khách sạn treo giá 500 USD trong khi cũng phòng đó năm ngoái giá 300 USD.

“Khi tỷ lệ lấp đầy đạt 90% thì một căn phòng 350 USD có thể tăng giá lên 500 USD”, Hentschel nói.

Tuy nhiên, không phải mọi khách đều phải trả giá 500 USD này. Có những người vẫn đặt được phòng với giá 250 USD nhưng đặt từ sớm. Những khách đặt muộn, sát ngày đi du lịch phải chịu phí cao.

Dữ liệu từ Hotel Monitor, bản phân tích giá khách sạn toàn cầu của American Express Global Business Travel, dự đoán nhiều thành phố lớn ở châu Âu giá phòng tăng 10% năm nay. Paris, Amsterdam và Dublin đều được dự đoán cao hơn 10-11%. Berlin, Stockholm, Barcelona và London tăng hơn 9%.

Hentschel cho biết để đặt phòng giá tốt khách nên đặt từ sớm, giảm hạng sao từ 4-5 sao xuống tìm các khách sạn 1-2 sao. Thay vì chọn phòng ở khu trung tâm, khách có thể tìm những khách sạn xa hơn. Tại London một khách sạn 5 sao có giá 1.000 GBP (1.270 USD), nếu đi ra ngoài M25 (đường vành đai ngoài của London), các khách sạn 3-4 sao có giá khoảng 100 GBP (127 USD). Du khách có thể nghỉ đêm ở ngoại ô và đi tàu vào trung tâm thành phố để tham quan.

“Bạn sẽ có những bức ảnh chụp hoàng hôn giống nhau để đăng Instagram với mức giá chỉ bằng một phần 10”, Hentschel nói.

Du khách dùng bữa tại các hàng quán ở Italy. Ảnh: Wanted in Rome

Giá phòng khách sạn cao nhưng giá vé máy bay đến châu Âu đang giảm. Nhà kinh tế trưởng tại Hopper, Hayley Berg, cho biết giá vé máy bay Mỹ – châu Âu đang có xu hướng thấp, với mức giảm trung bình 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu của Hopper chỉ ra từ tháng 6 các chuyến bay khứ hồi Mỹ – London, Anh giảm 21% so với cùng kỳ. Các điểm đến hàng đầu châu Âu như Rome, Barcelona, Athens, Paris đều chứng kiến mức giảm hai con số, lần lượt là 34%, 37%, 28% và 38% cho giá vé vào tháng 6, 7, 8. Giá vé cao hơn năm 2019 nhưng được đánh giá “phù hợp” nếu so với giá năm 2017-2018.

Đám đông cũng là vấn đề được nhắc đến khi nói về cao điểm du lịch hè. Lượng khách năm nay đến châu Âu tăng đột biến. Tuy vậy, Carter chỉ ra khách hàng đang cố gắng tránh tháng 7-8 vì quá đông và nắng nóng. Họ chọn tháng 5, 6, 9 nhiều hơn và tránh các điểm nóng như Venice, Rome, Florence. Nhưng ngay cả những tháng ít cao điểm hơn, đám đông năm nay “vẫn là mối lo ngại”, theo Carter.

Năm 2023, Italy phục vụ 134 triệu lượt khách, cao nhất lịch sử. 50% trong số đó là khách quốc tế. Năm 2024, số lượng này dự kiến cao hơn, theo Bộ trưởng Du lịch Daniela Santanche. Bộ trưởng cho biết du khách đặt vé đến bất kỳ điểm đến nổi tiếng nào trong năm nay đều nên kiểm tra trước khi đi để tránh đông đúc và nên đặt phòng ở nơi xa các vị trí đắc địa.

Carter đang gửi khách đến những vùng nông thôn nhiều hơn thành phố tại châu Âu, như Puglia và Sicily, hay khuyên khách nên đến đất nước mới như Slovenia thay vì Italy; Crotia thay vì Hy Lạp.

Pháp năm nay cũng là điểm được Carter gợi ý nên ghé thăm. Dù đăng cai Thế vận hội và giá phòng Paris dự kiến tăng 11% dịp này, đến nay giá phòng chỉ tăng 8%. Giá vé máy bay đến Paris từ nhiều điểm đến toàn cầu giảm 38% cũng là một điểm cộng.

“Du lịch đang ở mức cao lịch sử, lạm phát cũng cao”, Hentschel nói. Zeigler chỉ ra khách hàng đang trả tiền cao hơn 30% so với cùng kỳ 2019.

Các chuyên gia cho biết nếu muốn có chuyến du lịch châu Âu ít tốn kém, du khách nên đặt phòng, vé sớm vì mọi thứ đang hết rất nhanh. “Giá sẽ chỉ tăng lên”, Hayley Berg của Hopper nói. Với những người đặt sát ngay, nên chọn điểm đến, chỗ ở thay thế cũng như chọn khách sạn 3-4 sao thay vì 5 sao.





Du thuyền 5 sao Hạ Long