“Vịnh Hạ Long và Yên Tử sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế của Quảng Ninh”

  • Home
  • “Vịnh Hạ Long và Yên Tử sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế của Quảng Ninh”
“Vịnh Hạ Long và Yên Tử sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế của Quảng Ninh”

“Vịnh Hạ Long và Yên Tử sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế của Quảng Ninh”


GS.TS. Nguyễn Văn Kim hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong những năm qua, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về biển đảo Quảng Ninh, đặc biệt ông đã phối hợp với các nhà khoa học trong nước cũng như nước ngoài để hoàn chỉnh công trình chuyên khảo về thương cảng Vân Đồn.

Vừa qua, nhân chuyến công tác của GS.TS. Nguyễn Văn Kim đến Quảng Ninh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông.

GS.TS. Nguyễn Văn Kim.

– Giáo sư nhận định như thế nào về việc bảo tồn các giá trị văn hóa đó của Quảng Ninh trong thời gian qua?

+ Di sản văn hóa, bản sắc văn hóa đã thực sự là phên dậu, tạo nên kháng lực để bảo vệ không gian sinh tồn, vùng đặc quyền kinh tế, chủ quyền và an ninh đất nước. Thời gian qua, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều kế hoạch, dự án nghiên cứu, tăng cường quảng bá làm rõ giá trị, không ngừng nâng tầm văn hóa, gia tăng sinh lực văn hóa, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc, di sản thiên nhiên độc đáo, giàu giá trị của Quảng Ninh với khu vực và quốc tế. Các chủ trương, chính sách đó thể hiện rõ tầm nhận thức, những bước đi vững chắc, tư duy đột phá về văn hóa của Quảng Ninh.

Kế thừa các di sản lịch sử, Quảng Ninh tiếp tục xác định là một không gian kinh tế, văn hóa mở, năng động của Việt Nam. Trong các văn kiện và trong chỉ đạo thực tiễn, lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia văn hóa đã rất chú ý đến: Tính chất vùng (riêng có), Tính dân tộc (đặc thù), Tính khu vực (phong phú) và Tính quốc tế (phổ quát) của Quảng Ninh. Các tính chất đó luôn hiện hữu, hòa hợp trong truyền thống văn hóa, con người Quảng Ninh.

Quảng Ninh nhận thức rõ bề dày, chiều sâu văn hóa và tính đa dạng, đặc sắc của di sản thiên nhiên, văn hóa. Tỉnh có nhiều tiềm năng để phát huy hơn nữa tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế văn hóa, giá trị của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa của Quảng Ninh đã chọn điểm khởi đầu (điểm nhấn) với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Không gian sáng tạo văn hóa được kiến dựng ở vùng cảnh quan kỳ vĩ tầm cỡ thế giới chắc chắn sẽ góp phần xây dựng văn minh sinh thái biển Việt Nam.

Không gian du thuyền là trên Vịnh Hạ Long là nơi lý tưởng để thưởng thức âm nhạc.
Không gian du thuyền là trên Vịnh Hạ Long là nơi lý tưởng để thưởng thức âm nhạc.

Thời gian qua, để góp phần vào Quy hoạch tổng thể quốc gia và sự nghiệp chấn hưng văn hóa đất nước, Quảng Ninh đã chủ động, kịp thời ban hành các nghị quyết, chính sách, đề án về văn hóa. Các văn kiện đó không chỉ nhằm mục tiêu quán triệt các quan điểm mới của Đảng, Nhà nước về văn hóa mà còn là triển khai trên thực tế các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về văn hóa trên địa bàn. Nghiên cứu các văn kiện đó chúng ta đều thấy, một tư duy mới, năng lực sáng tạo, đột phá trong nhận thức, hành động nhằm bảo tồn, huy động mọi nguồn lực văn hóa, nguồn tài nguyên nhân văn vì mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Trên phương diện văn hóa, các nghị quyết, kế hoạch của Quảng Ninh đã xác định và tập trung vào bốn vùng trọng điểm: Vùng văn hóa trọng tâm (Hạ Long); Vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi; Vùng biên giới và Vùng biển đảo. Tư duy phân định này nhằm kiến tạo các không gian bảo tồn, phát triển văn hóa, đồng thời thể hiện rõ nhận thức về tính đặc thù của thế giới tự nhiên cũng như đặc trưng của văn hóa, con người Quảng Ninh. Tỉnh đã định vị đúng vai trò, giá trị, đặc trưng của không gian văn hóa trong tổng thể không gian văn hóa vùng Đông Bắc và các không gian văn hóa Việt Nam; nhận thức rõ những điểm tương đồng, dị biệt; tiềm năng, thế mạnh của mỗi không gian văn hóa; giá trị nguồn cội, tính đa dạng, phong phú của di sản văn hóa Quảng Ninh trong cấu trúc văn hóa vùng Đông Bắc và đất nước để đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư cho phát triển bền vững.

– Giáo sư có góp ‎ý gì cho công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Quảng Ninh?

+ Theo tôi phải sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nguồn lực của nhà nước, kết hợp với huy động tối đa nguồn lực xã hội để tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, con người phù hợp với các định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển của quốc gia, của vùng đồng bằng sông Hồng và của tỉnh Quảng Ninh hiện nay.

Trong kế hoạch phát triển xanh, bền vững của Quảng Ninh, văn hóa, nguồn tài nguyên văn hóa được đánh giá có trữ lượng lớn và có thể tái tạo, phát huy lâu dài. Nguồn tài nguyên đó đang được lượng giá, vốn hóa di sản… để chuyển hóa thành sức mạnh thực tế góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng khang trang, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

– Còn nếu nói riêng về Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thì sao thưa Giáo sư?

+ Trong một cảnh quan văn hóa đa dạng, văn hóa Quảng Ninh hội đủ các loại hình di sản: Văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên, di sản hỗn hợp, di sản liên tỉnh, di sản tư liệu… Đó là sự giàu mạnh, phong phú về văn hóa của tỉnh. Nên đặt không gian văn hóa Vịnh Hạ Long trong mối liên kết chuỗi và di sản liên vùng để tạo hiệu ứng, nhân tố kích hoạt cho sự gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Đồng thời sớm có chương trình khảo sát, nghiên cứu để nhận diện sâu, đánh giá tổng thể, toàn diện hơn về sự phân bố, trữ lượng, tiềm năng, giá trị văn hóa của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; các loại hình di sản (di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu) trên địa bàn thành phố để có kế hoạch bảo tồn, chuyển hóa thành nguồn lực, nguồn tài nguyên, giá trị tương hỗ cho Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Mục tiêu căn bản là không ngừng tạo ra các giá trị mới cho sự phát triển của kinh tế di sản, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

Tỉnh và các cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học. Mục tiêu căn bản là đẩy mạnh hơn nữa, xác định rõ và làm sâu sắc, toàn diện hơn các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể (đặc biệt là hệ tri thức biển), di sản tư liệu,… đã hình thành, phát triển trên không gian biển Vịnh Hạ Long và các vịnh biển liên quan. Các giá trị văn hóa đó, nếu được tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ, sẽ góp phần làm gia tăng giá trị đặc sắc, chiều sâu, tính toàn vẹn, tính xác thực của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Nhiều hiện vật quý về văn hoá biển được giới thiệu đến công chúng.
 Bảo tàng Quảng Ninh và Bảo tàng Hải Phòng phối hợp tổ chức triển lãm văn hoá biển năm 2024.

– Thưa Giáo sư, trong mối quan hệ liên kết thì các di sản ở Quảng Ninh cần được kết nối như thế nào?

+ Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long cũng phải đặt trong mối quan hệ và tầm nhìn với Vịnh Bái Tử Long và Cát Bà. Chúng ta cũng nên sớm tính đến việc góp phần xây dựng không gian sáng tạo văn hóa thứ hai ở vùng núi cao Yên Tử. Thời gian tới, nếu đề nghị của Việt Nam về Quần thể di tích – danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh thì Quảng Ninh sẽ có hai không gian sáng tạo văn hóa là Vịnh Hạ Long và Yên Tử (một ở núi cao và một ở biển cả). Hai di sản đó sẽ là đôi cánh nâng tầm văn hóa và vị thế khu vực, quốc tế của tỉnh Quảng Ninh.

Biểu diễn âm nhạc dân tộc phục vụ du khách hành hương Yên Tử.
Biểu diễn âm nhạc dân tộc phục vụ du khách hành hương Yên Tử.

Chúng ta nên đặt không gian văn hóa Vịnh Hạ Long trong mối liên kết chuỗi và di sản liên vùng để tạo hiệu ứng, nhân tố kích hoạt cho sự gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Trong tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nên đặt sự nghiệp phát triển văn hóa, phát huy tiềm năng của Vịnh Hạ Long trong quan hệ mang tính hệ thống của hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cần lấy con người là trung tâm của tất cả các mục tiêu phát triển, văn hóa làm điểm tựa khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước và khát vọng vươn lên của người Quảng Ninh. Chúng ta kiên trì với định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế di sản, gia tăng hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế độ phát thải, bảo vệ môi trường.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, cùng với thiên nhiên thì con người và văn hóa được xác định là ba trụ cột căn bản trong chiến lược phát triển bền vững của Quảng Ninh. Trải qua nhiều thế hệ, cư dân vùng duyên hải Đông Bắc đã khai thác hiệu quả vị thế, hòa nhập với các hệ sinh thái tự nhiên để phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường sống với quan điểm cần đặt sự tôn trọng tự nhiên, thuận theo dòng chảy phát triển của tự nhiên, giữ nguyên trạng thái bản thể tự nhiên lên hàng đầu, nắm chắc quy luật phát triển của tự nhiên để hoạch định các quyết sách phát triển, nhất là trong giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng nhanh các ngành có thể xâm hại tới tự nhiên với phát triển xanh, bền vững, bảo vệ cao độ môi trường sinh thái. Thiên nhiên tươi đẹp, thuần khiết, bản thể nguyên sơ là tài sản, cũng là nguồn lực, động lực và hơn thế là một giá trị của Quảng Ninh, cần được gìn giữ bằng mọi giá.

– Xin cảm ơn Giáo sư!

Phạm Học (Thực hiện)





Du thuyền 5 sao Hạ Long