Sức hút của sự yên bình, thuần hậu

  • Home
  • Sức hút của sự yên bình, thuần hậu
Sức hút của sự yên bình, thuần hậu

Sức hút của sự yên bình, thuần hậu


Khi cuộc sống dần công nghiệp hóa mỗi ngày người ta lại muốn tìm về những vùng đất nguyên sơ, trong lành, nơi có những con người chất phác, gần gũi. Cũng bởi thế mà du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên những năm gần đây đang tìm được sức sống mạnh mẽ. Và người dân tộc thiểu số có cơ hội tìm lại bản sắc, văn hóa trước nguy cơ mai một để phục vụ du khách.

Chỗ dựa cho buôn làng

K”bang là một trong các huyện có tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh Gia Lai. Nơi đây có vô số các thác nước đẹp, mỗi địa điểm lại mang một vẻ đẹp riêng. Quanh những thác nước là vô số tổ ong mật, còn dưới dòng nước mát lạnh là cá, ốc đá, cua núi… Đặc biệt nhất là thác K50 hùng vỹ nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Đây là sự lựa chọn hàng đầu với những du khách yêu thích chinh phục, băng rừng lội suối, qua đêm bên hang động nhiều điều bí ẩn ở K50. Địa điểm này tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài vì sóng điện thoại chưa thể tới. Mọi người sẽ được tái tạo năng lượng khi qua đêm bên dòng thác quanh năm tuôn chảy tung bọt trắng xóa giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ, sớm mai thức dậy như được tái tạo năng lượng dưới ánh nắng mặt trời xuyên qua khoảng sương mù hư ảo. K’bang cũng là huyện có các di tích lịch sử, văn hoá đa dạng, độc đáo.

Người dân xã Măng Cành làm bánh cùng chị Y Tuấn

Ý thức được những tiềm năng chưa được “đánh thức” ấy, khi làm việc ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện K’bang, có cơ hội đi nhiều nơi anh Đinh A Ngưi (38 tuổi, làng Kgiang, xã Kông Lơng, huyện K’bang) luôn chủ động học hỏi, tìm hiểu về cách làm du lịch mọi miền. Đúc kết những kiến thức mình có được, hơn sáu năm trước anh Ngưi đến nhà già làng để tập hợp bà con ở làng Kgiang, giải thích về dự án trọng đại của cuộc đời. Chàng thanh niên A Ngưi chịu khó, cần mẫn tới từng nhà để nhờ nhóm phụ nữ thành lập các tổ dệt, nấu rượu cần, đồ ăn… Còn đàn ông thì lập các tổ đan lát, cồng chiêng. Thanh niên trong làng cùng anh Ngưi dựng nhà sàn, cây nêu để thành một homestay cho khách du lịch.

“Khách tới ngày một đông, mình tiếp tục đi vay vốn mở rộng quy mô. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng mình phải quyết tâm, bởi với mình làm du lịch cộng đồng không chỉ phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm cho bà con, bảo tồn văn hóa. Về với làng Kgiang, mọi người sẽ được tham quan các làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, làm cung nỏ, xem biểu diễn cồng chiêng… Đặc biệt là thưởng thức các món ăn ngon nhất của người Ba Na”, anh Ngưi chia sẻ.

Homestay mang tên A Ngưi đang tạo công ăn việc làm cho ít nhất 15 người (mỗi người 7 triệu đồng/tháng). Homestay có 4 nhà sàn lớn với khu bếp và 3 chòi lá, sân trình diễn cồng chiêng. Bao quanh Homestay A Ngưi là ao thả cá, ruộng trồng rau trồng lúa nước cung cấp cho nhu cầu ẩm thực. Đêm đến ở Homestay A Ngưi, rượu cần bên ánh lửa bập bùng dưới góc nhà rông, du khách sẽ được hòa cùng tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng trong trẻo, nắm tay các cô gái, chàng trai nhảy điệu múa xoang truyền thống…

Chị Y Tuấn bên gian hàng của mình tại Chợ phiên Măng Đen

Giá trị của sự thuần phác

Ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) bà con ai cũng nể phục sự chăm chỉ, nhiệt tình của chị Y Tuấn. Những năm trước gia đình chị Y Tuấn dù chăm chỉ cấy lúa, trồng mì nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi phải gồng gánh nuôi 3 đứa con ăn học. Từ khi thị trấn Măng Đen nổi tiếng, du khách đổ về cũng là thời điểm mà chị Y Tuấn bắt đầu trồng cây dược liệu, buôn bán thêm các mặt hàng nông sản của người dân bản địa. “Hai vợ chồng mình vừa mua ô tô hơn 500 triệu đồng để thuận tiện cho việc đi lại, chở con cái. Mấy hôm nữa gia đình sẽ khai trương homestay vừa đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng”, chị Y Tuấn khoe.

Hai tháng qua, từ khi UBND Huyện Kon Plông tổ chức Chợ phiên Măng Đen vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật cuối tháng tại khuôn viên đồi thông (đường Hùng Vương, thị trấn Măng Đen), chị Y Tuấn và bà con lại càng chạy hàng.

Các đoàn du khách nắm tay nhảy quanh ánh lửa

Gian hàng của chị Y Tuấn và bà con người Xơ Đăng là sản vật của núi rừng: gạo nếp cẩm, chè dây, tiêu rừng, chuối rừng, nấm lim xanh… Các mặt hàng nông sản ấy đều tự tay bà con người Xơ Đăng đi lấy, trồng, chăm sóc nên không có thuốc hóa học. Cũng bởi thế nhiều du khách gần xa còn xin cả số điện thoại của chị Y Tuấn để khi cần sẽ gọi để gửi về tận nơi.

Chị Y Tuấn nói: “Mấy hôm nữa có giải chạy ở Măng Đen. 300 khách chạy bộ đặt mình gói bánh, thịt nướng. Mấy ngày nay mình và bà con khá bận vì cần chuẩn bị đồ ngon nhất để nấu, gói, hấp tại chỗ cho người ta. Mình cứ làm ngon, chất lượng là người ta đặt làm miết thôi”.

Chị Y Tuấn chia sẻ, trước kia khi ra Chợ phiên Măng Đen bán hàng mọi người trong làng đều e dè, tự ti. Để chứng minh cho mọi người thấy được giá trị riêng của các mặt hàng của người Xơ Đăng, chị Y Tuấn đã đứng ra bán. Có lời chị lại chia đều với bà con nên được mọi người tin tưởng, ủng hộ. Với chị, khi bà con nhìn thấy người thực việc thực sẽ nghe và làm theo. Bởi thế, người phụ nữ Xơ Đăng rất mong được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền huyện Kon Plông để bà con bản địa có cơ hội để thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Ông Bùi Viết Hà – Chủ tịch Hội Du lịch Măng Đen cho biết, việc phối hợp tổ chức Chợ phiên Măng Đen thời gian đầu gặp rất khó khăn để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia. Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện, xã và Hội Du lịch Măng Đen, Chợ phiên Măng Đen ngày càng trở nên đông đúc, tấp nập người bán lẫn người mua. Mỗi phiên chợ diễn ra vào dịp cuối tuần thu hút khoảng 3.000 lượt du khách và người dân đến tham quan, mua sắm.

Theo ông Hà, huyện Kon Plông luôn tạo điều kiện, hỗ trợ để bà con người dân tộc thiểu số buôn bán các mặt hàng họ trồng được như con gà, quả trứng, sản vật trên rừng. Ông Hà tin tưởng đây là mô hình sẽ giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đặc biệt, Hội Du lịch Măng Đen ưu tiên vị trí đẹp cho bà con, đồng thời cam kết mua các sản phẩm của bà con nếu không bán được.





Du thuyền 5 sao Hạ Long