Nguồn tài nguyên quý cho phát triển du lịch
Quảng Ninh hiện có 42 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh tại khu vực này. Trong đó, định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được coi là giải pháp quan trọng. Qua đó, vừa góp phần gìn giữ văn hóa vừa thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tự hào gìn giữ
Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị một số làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, quy hoạch 4 thôn, bản thực hiện bảo tồn, phục vụ phát triển du lịch, gồm: Bản dân tộc Dao Thanh Y, xã Bằng Cả (TP Hạ Long); thôn Lục Nà, thôn Bản Cáu dân tộc Tày, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); làng truyền thống người Sán Dìu, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn); thôn Nà Ếch người Sán Chay, xã Húc Động (huyện Bình Liêu).
Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng bản Dao Thanh Y, xã Bằng Cả (TP Hạ Long) trở thành một điểm du lịch văn hóa với các hoạt động biểu diễn hát múa truyền thống, tái hiện lễ cấp sắc, cầu mùa… do người dân trong xã thể hiện; phục vụ ẩm thực truyền thống của người Dao vào mỗi dịp hội làng…
Cùng với đó, các địa phương có phần lớn đồng bào DTTS sinh sống như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Móng Cái… hàng năm đều duy trì tổ chức các lễ hội, tuần văn hóa – thể thao, tuần văn hóa – du lịch với chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào vừa tạo sân chơi, giao lưu văn hóa lành mạnh của nhân dân vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa tới du khách.
Đơn cử, huyện Ba Chẽ chú trọng phát triển các lễ hội gắn với hệ thống đình, chùa, miếu như lễ hội Bàn Vương, lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà, lễ hội đình Làng Dạ. Trong các lễ hội, du khách được trải nghiệm các nghi lễ cấp sắc, nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày, thêu thổ cẩm, hát páo dung, thi nấu xôi ngũ sắc, thi trang phục dân tộc… là các hoạt động mang đậm bản sắc các dân tộc Dao, Tày, Sán Chay ở Ba Chẽ.
Hay huyện Tiên Yên đã xây dựng Làng Văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ; quy hoạch mở rộng, đầu tư nâng cấp đền thờ Đức ông Hoàng Cần gắn với xây dựng làng văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Hải Lạng; duy trì chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu…
Công tác bảo tồn văn hoá các DTTS không chỉ phát huy những giá trị di sản văn hoá truyền thống mà còn tăng cường xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các DTTS. Đến nay, 100% các thôn, bản vùng DTTS có nhà văn hóa, 50% các xã có nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao.
Đồng bộ các giải pháp
Với mục đích khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025).
Theo đó, trong 2 năm 2024-2025, Quảng Ninh sẽ triển khai 15 nhiệm vụ cụ thể, gồm: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các DTTS có nguy cơ mai một; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS; xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng di dân tái định cư.
Cùng với đó, hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng nội dung, xuất bản sách, đĩa phim tư liệu về văn hóa truyền thống đồng bào DTTS cấp phát cho cộng đồng DTTS; tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian các DTTS.
Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch các vùng đồng bào DTTS và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS và hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trước mắt, trong năm 2024, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành một số nội dung: Giao Sở Văn hóa – Thể thao lập 3 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ cầu mùa dân tộc Sán Chỉ, trang phục truyền thống của dân tộc Sán Chay (Sán Chỉ) tỉnh Quảng Ninh và trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Bình Liêu xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản cộng đồng các DTTS huyện Bình Liêu; giao UBND huyện Vân Đồn triển khai xây dựng, trưng bày phòng truyền thống dân tộc Sán Dìu tại nhà văn hóa xã Bình Dân (huyện Vân Đồn); giao UBND huyện Ba Chẽ tổ chức và phát huy Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay (xã Thanh Sơn) gắn với phát triển du lịch và sửa chữa nhà văn hóa dân tộc Dao thôn Hải Sơn (xã Nam Sơn).
Văn hóa các DTTS là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc, đưa du lịch phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch giữa vùng DTTS với các vùng, miền khác của tỉnh.