Mùa rêu bên kè chắn sóng sông Trà Khúc
Rêu bám lên những khối bê tông kè chắn sóng Khê Tân nơi sông Trà Khúc đổ ra biển, tạo nên khung cảnh đẹp, hút nhiều người chụp ảnh.
Xóm Khê Tân (thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) nằm ở bờ bắc cuối sông Trà Khúc, nơi sông đổ ra biển Cửa Đại. Nơi này trước đây bị sóng biển làm sạt lở, ăn sâu nhiều km vào đất liền.
Cuối năm 2019, Quảng Ngãi xây 5 đoạn kè ở thôn này. Dự án do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với tổng vốn 85 tỷ đồng. Trong đó, có đoạn kè từ cửa sông Trà Khúc hướng ra biển để ngăn sóng, dài 200 m.
Hai năm qua, kè không chỉ ngăn sóng mà còn tạo nên khung cảnh thơ mộng khi có rêu phủ vào mùa xuân.
Sóng đánh như bọt tuyết vào mũi kè có rêu xanh. Theo người dân, sau khi lập xuân, trời bắt đầu nắng, thông thường rêu sẽ bám vào các tảng đá ven bờ biển. Kè chắn sóng có nhiều lớp bê tông đúc sẵn ở vị trí đón nắng nên rêu dễ sinh sôi.
Hình ảnh các bạn trẻ chụp ảnh với những khối bê tông đúc sẵn lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua.
Nguyễn Thị Tuyết Linh và Võ Bạch Khánh Nhi (20 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) chạy xe máy 15 km để xuống đây dạo chơi cuối tuần. Hai cô gái thích thú khi thấy khung cảnh mùa rêu ngay trong thành phố.
Trước đó, đôi bạn thân Thanh Ngân và Thu Hảo, đang công tác ở TP Quảng Ngãi cũng chạy xe xuống Mỹ Khê (bãi biển nổi tiếng nhất Quảng Ngãi) và được giới thiệu qua bãi biển Khê Tân – nơi có rêu bám trên kè đá, chỉ cách Mỹ Khê hơn 2 km về phía nam.
Gần đây, bãi rêu bên kè chắn sóng được nhiều người chú ý vì vị trí rất gần biển Mỹ Khê, lại có thể nhìn những thắng cảnh khác của Quảng Ngãi như cầu Cổ Lũy, biển Cửa Đại.
Thu Hảo lấy điện thoại selfie trong tone màu váy trùng với màu rêu.
Khối bê tông bên kè chắn sóng Khê Tân khi nằm trên cát và phủ rêu như một hòn đảo nhỏ.
Những khối bêtông trên cao không tiếp xúc với nước biển thường xuyên, khi rêu sinh sôi một thời gian thì sẽ già, không có rêu mới thay thế, tạo thành những lớp màu trắng.
Ở phía nam của kè, nhưng nơi này trơn trượt nên không có người chụp ảnh.
Ông Phạm Ơi, người dân xóm Khê Tân, nói trước đây nhà ông ở gần bờ biển nhưng do sạt lở mỗi năm một lấn sâu nên đã chuyển vào bên trong. Từ khi các đoạn kè được xây, người dân yên tâm sinh sống, lại có nơi đi dạo, hóng mát.
Trưởng thôn Cổ Lũy, Trần Đình Trọng, cho biết thôn có bảy xóm trong đó sáu xóm làm nghề đánh cá, riêng Khê Tân ở gần cửa biển nên những năm chưa có kè thường lo sóng “nuốt” nhà. Từ ngày kè được xây dựng đã thay đổi diện mạo của xóm và thu hút du khách.
Ông Trương Quang Thọ (phải), một bác sĩ về hưu quê gốc ở xã Tịnh Khê nên ông thường đưa gia đình và bạn bè về đây để tận hưởng cảm giác bình yên bên bờ biển quê hương. Chiều 11/2, ông Thọ ngồi trên kè chụp ảnh cho con trai và con gái.
Màu xanh của rêu non ở phía bắc mũi kè, nhìn từ đất liền hướng ra biển.
Từ tháng giêng đến tháng hai (Âm lịch), ghềnh đá ở các vùng ven biển miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa lại xuất hiện các thảm rêu được hình thành dưới tác động của những đợt sóng và gió cùng với bọt nước biển làm say đắm lòng người.
Tại Quảng Ngãi, ngoài bờ biển Khê Tân, du khách còn có thể thăm bãi rêu ở thôn An Cường, hoặc ở Gành Yến (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), bãi rêu trên kè chắn sóng Sa Huỳnh, rêu ở đảo Lý Sơn…