Du lịch vùng cao Hạ Long khởi sắc

  • Home
  • Du lịch vùng cao Hạ Long khởi sắc
Du lịch vùng cao Hạ Long khởi sắc

Du lịch vùng cao Hạ Long khởi sắc


Hạ Long hiện là thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước với 33 đơn vị hành chính. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sống tại 11 xã miền núi, vùng cao nơi có thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa dạng. Xác định đây chính là lợi thế để các xã vùng cao phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân, thời gian qua, thành phố đã quan tâm đầu tư, quyết tâm tạo khởi sắc cho du lịch miền núi, qua đó xây dựng Hạ Long trở thành điểm đến bốn mùa với trải nghiệm trọn vẹn.

Tái hiện lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y trên sân khấu Hội làng Bằng Cả năm 2025. Ảnh: Xuân Hòa.

Hằng năm, cứ đến ngày 1/2 âm lịch, người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, TP Hạ Long lại nô nức tham gia Hội làng Bằng Cả truyền thống. Hội là dịp cả làng cùng sum họp, gặp gỡ và cầu mong cho một năm mới tốt lành, may mắn. Năm nay, người dân xã Bằng Cả dường như hân hoan hơn khi được đón nhiều du khách ghé thăm hơn, các hoạt động của hội cũng được tổ chức phong phú, đa dạng hơn.

Cùng với các hoạt động truyền thống như lễ cúng, giới thiệu nghệ thuật thêu, trưng bày gian hàng OCOP, tổ chức các trò chơi dân gian, Hội làng còn có phần sân khấu hóa Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y và lễ mừng cơm mới của người Tày – hai di sản văn hóa phi vật thể mới được công nhận của tỉnh Quảng Ninh.

Nghệ nhân Ưu tú Lý Văn Út, người am hiểu về văn hóa truyền thống, các nghi lễ tâm linh, văn hóa của người Dao Thanh Y, chia sẻ: Chúng tôi là những người cao niên trong làng đã rất trăn trở làm sao để gìn giữ văn hóa của người Dao Thanh Y, làm sao truyền lại được cho thế hệ trẻ? Như với lễ cấp sắc của người Dao có 16 tiết mục, chúng tôi đã bàn để rút ngắn chỉ còn 9 tiết mục đưa lên sân khấu, đảm bảo việc tái hiện phải vừa tiết kiệm lại vừa hiệu quả.

Năm nay là năm đầu tiên Hội làng Bằng Cả được tổ chức với quy mô cấp thành phố. Sự kiện không dừng lại là ngày hội của người dân trong xã mà mở rộng ra đã trở thành sự kiện giới thiệu, quảng bá văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại TP Hạ Long. Các xã như Tân Dân, Kỳ Thượng, Hòa Bình… mỗi xã đều tích cực tham gia với gian hàng giới thiệu đặc sản OCOP và giá trị văn hóa du lịch đặc trưng.

Ông Bàn Sinh Lâm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Dân, cho biết: Hiện trên địa bàn xã có mô hình tham quan rừng lim cổ thụ của gia đình ông Triệu Tài Cao đang thu hút được du khách. Tiến tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu cho cấp trên xây dựng thành điểm du lịch, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền mở rộng Hội làng Bằng Cả tới các xã vùng cao, trong đó có Tân Dân.

Cũng trong tháng 3, tại xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long tổ chức Lễ hội Hoa Anh đào – Kỳ Thượng năm 2025. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức với kỳ vọng sẽ khai thác thế mạnh về du lịch cảnh quan, kết hợp với bảo tồn văn hóa của người Dao Thanh Phán. Tâm điểm của lễ hội là hoạt động trồng cây hoa anh đào.

Hoa anh đào bắt đầu được trồng tại Kỳ Thượng để tạo cảnh quan du lịch trong 2 đến 3 năm tới.

Theo ông Bùi Văn Quang, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Agrico, đơn vị triển khai dự án trồng hoa anh đào tại Kỳ Thượng, giống hoa được trồng tại Kỳ Thượng là hoa anh đào có xuất xứ từ Okinawa (Nhật Bản). Hiện có khoảng 1.000 cây đã được trồng tại Kỳ Thượng và đang thích nghi, sinh trưởng tốt. Kỳ vọng từ 2 đến 3 năm khi cây trưởng thành sẽ tạo ra một vùng cảnh quan đặc sắc, hấp dẫn du khách về với Kỳ Thượng.

Năm 2025, TP Hạ Long lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa anh đào Kỳ Thượng.

Để phát triển du lịch gắn với khai thác cảnh quan, TP Hạ Long đã phê duyệt 2 quy hoạch chi tiết với tổng diện tích dự kiến trồng rừng cảnh quan và cây hoa anh đào tại xã Kỳ Thượng là 30,6ha. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo công ty Agrico tiếp tục nghiên cứu để kéo dài thời gian hoa nở, qua đó tạo cho Kỳ Thượng sản phẩm du lịch đặc sắc vào mùa xuân, bổ sung, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch sẵn có của Hạ Long.

Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ tạo sức bật cho du lịch miền núi của TP Hạ Long. Ảnh: Đường đi lên Kỳ Thượng.

Những năm qua, du lịch miền núi của Hạ Long đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Đầu tiên là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, thông suốt, tạo kết nối giữa trung tâm du lịch Bãi Cháy với các xã vùng cao. Các dự án giao thông huyết mạch như cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận TP Hạ Long – từ Km13-Km37+500; tuyến đường từ trung tâm thành phố đi Đồng Lâm – Kỳ Thượng; tuyến đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương… được đầu tư góp phần tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi để đời sống KT-XH các xã miền núi của Hạ Long cũng như du lịch khởi sắc.

Giao thông thuận lợi giúp đánh thức nguồn lực về thiên nhiên tại khu vực miền núi. Nhờ đó, nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp đã được người dân mạnh dạn triển khai, tiêu biểu là mô hình du lịch Am Váp Farm tại xã Kỳ Thượng, du lịch sinh thái tại Tân Dân, Sơn Dương và một số mô hình du lịch sinh thái kết hợp rừng – vườn tại Thống Nhất…

Phát triển du lịch tại các xã vùng cao của Hạ Long sẽ góp phần tạo sinh kế bền vững, tạo động lực để người dân bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan cũng như bảo tồn văn hóa… Đồng thời khơi thông nguồn lực, giúp Hạ Long hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, góp phần cán đích mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2025 này và xa hơn là hình thành các khu du lịch cộng đồng, du lịch lâm viên. 

Đào Linh





Du thuyền 5 sao Hạ Long